Đạo văn tốt nghiệp đại học

Đem các khóa luận của sinh viên đi kiểm tra, tôi thấy hầu hết đều có yếu tố đạo văn, ít thì 15%, có bài còn sao chép đến 40%.

Tôi năm nay 35 tuổi, đang là giảng viên và nghiên cứu sinh Công nghệ thông tin tại một trường đại học ở Hà Nội. Từ năm 2020, tôi bắt đầu nhận hướng dẫn khóa luận cho sinh viên. Mỗi năm, tôi chỉ nhận chưa đến 10 sinh viên, chia đều cho hai đợt bảo vệ vào tháng 5 và tháng 11. Hầu hết sinh viên tôi nhận đều đang có điểm GPA thuộc loại giỏi, thi thoảng có vài bạn xuất sắc. Hàng tuần, tôi đều bỏ ra ít nhất một buổi để cập nhật tình hình làm khóa luận của các bạn để giúp đỡ, định hướng nếu cần thiết.

Nhìn chung, việc hướng dẫn các bạn sinh viên cũng khá thuận lợi và thoải mái, ngoại trừ một điểm. Đó là khi nhận được bản khóa luận đầu tiên mà các bạn viết, tôi thường đem đi kiểm tra tính trùng lặp, thì nhận thấy hầu hết đều có dấu hiệu "đạo văn", ít thì 15%, có bài còn sao chép giống đến 40%. Với ngành Công nghệ thông tin, đây là con số mà tôi không hề mong muốn, vì ngành này không cần trích dẫn nhiều như bên Luật hay Nhân văn.

Thực tế, các phần mềm, nghiên cứu trong khóa luận mà các sinh viên này làm là thật và do chính các bạn làm. Tuần nào tôi cũng trao đổi với các bạn nên khá tin tưởng về việc đó. Nhưng đến giai đoạn viết thành một bài khóa luận thì lại không được như thế. Tôi hiểu việc viết ra một khóa luận mất khá nhiều công, nhất là với những sinh viên Công nghệ thông tin vốn thích lập trình hơn là viết lách. Mà thực ra, tôi nghĩ nghành nào cũng thế, tự viết ra cả trăm trang khóa luận là một việc dễ chán và rất mất công, nhất là với các bạn không giỏi viết Văn.

Tuy nhiên, cần phải rõ ràng rằng, khóa luận là môn học kết thúc quá trình học tập của các bạn trong trường đại học, hay nói cách khác là môn học để tốt nghiệp của các bạn sinh viên. Nó cũng là môn nhiều tín chỉ nhất, và thường các bạn sẽ dành cả học kỳ để làm nó, thay vì học 5-6 môn để thi như các học kỳ trước. Việc tự viết một khóa luận hoàn chỉnh là yêu cầu hợp lý và nó xứng đáng để được coi trọng.

>> Bốn năm gác lại đam mê để không lãng phí Đại học

Do đó, tôi luôn nhắc nhở sinh viên mà mình hướng dẫn là "không được sao chép từ bất kỳ nguồn nào, kể cả việc trích dẫn các lý thuyết công nghệ cũng cần diễn đạt lại theo ý của mình". Đối với sinh viên, tiêu chuẩn của tôi có vẻ khá khắt khe nếu so với nhiều thầy cô khác, khi tôi không cho sinh viên "đạo văn". Nhưng tôi nghĩ rằng, không phải mình khó tính hay gây khó khăn gì cho các bạn, chỉ là các em đã quen với môi trường học tập mà trong đó không có quy định trong việc ngăn cấm sao chép, đạo văn.

Không quá khó hiểu khi trong 12 năm là học sinh, các em đã quen với việc học thuộc lòng, học công thức, phải giải bài tập theo đúng quy tắc, phải nhớ vẹt từng sự kiện lịch sử... Ngay cả môn Văn, lẽ ra phải dựa trên việc cảm thụ, ý kiến của chính bản thân các em, nhưng đôi khi vẫn có trường hợp "phát biểu cảm nghĩ của em nhưng chấm theo ý của giáo viên". Các em đã quen với việc học tập mà trong đó chỉ tập trung vào việc tiếp nhận kiến thức (đôi khi là máy móc, mô típ, học vẹt) mà không có nhiều cơ hội để tự sáng tạo, viết ra những thứ của riêng mình.

 

Tôi nghĩ việc này khi lên đại học, rất khó để chính các em tự thay đổi, mà cần phải có sự tác động của các thầy cô và nhà trường, thể hiện bằng các quy chế và quy định. Nếu việc đạo văn phải đánh đổi bằng điểm số, bằng các hình thức kỷ luật thì tôi tin sinh viên sẽ không dám vi phạm nữa. Tuy nhiên, tôi nhận thấy hầu hết các trường hiện nay đều chưa quyết liệt trong vấn đề này. Không có nhiều trường đưa ra các quy chế cụ thể, rõ ràng về việc đạo văn.

"Cái gì không cấm thì là được phép làm". Nếu trường không cấm đạo văn thì việc sao chép chỗ này, chỗ kia vẫn là hợp lệ; miễn là không làm lố đến mức sao chép 100% là được. Việc đưa ra quy định quy chế, tôi nghĩ rằng không khó, đã có nhiều trường thực hiện rồi, chỉ cần học hỏi kinh nghiệm từ các trường đó là xong. Các công cụ kiểm tra đạo văn cũng đã có sẵn, kể cả phần mềm Việt Nam lẫn nước ngoài. Các công cụ này đôi khi báo nhầm, nhất là phần mềm nước ngoài khi kiểm tra theo từng từ (word by word), tuy nhiên, nhìn chung, tôi thấy chúng cũng khá tốt và hiệu quả hơn nhiều việc kiểm tra từng câu trên Google.

>> 'Nhiều học sinh sợ môn Văn vì không được viết khác biệt'

Tất nhiên, nếu mua lẻ phần mềm thì khá tốn kém (tiền triệu mỗi năm). Nhưng nếu mua số lượng lớn theo trường thì chỉ khoảng 100-200 nghìn đồng cho một năm sử dụng. Hiện tại, tôi vẫn phải bỏ ra hơn một triệu đồng mỗi năm để mua số lượt kiểm tra tài liệu mà lẽ ra chi phí này nhà trường đầu tư thì sẽ hợp lý hơn. Tôi nghĩ đây là chi phí mà các trường đại học hoàn toàn có thể đáp ứng được, nhất là khi đã có cơ chế tự chủ tài chính. Tôi tự mua vì chính bản thân thấy nó cần thiết và chi phí vẫn ở mức chấp nhận được. Tôi cũng giới thiệu các thầy cô khác sử dụng, nhưng một số người chưa sẵn sàng và muốn chờ nhà trường quyết định và đầu tư.

Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề quan trọng, nếu các trường ban hành quy chế và công cụ kiểm tra đạo văn thì sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức học tập của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Còn nếu cứ bỏ qua hành động này thì cũng tựa như hiện tượng "thiên nga đen" vậy. Cứ vài năm, tôi lại đọc được bài báo về những Tiến sĩ, giảng viên từng đạo văn và các trường, các thầy cô hướng dẫn những người đó cũng bị ảnh hưởng về uy tín. Tôi nghĩ đó chỉ là bề nổi, khi mà hầu hết luận văn, luận án chưa được số hóa và công khai; chắc hẳn còn nhiều trường hợp đạo văn tương tự mà chúng ta chưa biết đến.

Tại sao nhiều trường đại học đang bỏ qua vấn đề này? Do chi phí hay do vấn đề gì khác?

Trần Quốc Vượng

Nguồn: Vnexpress