Ở nước ta, Luật Sở hữu trí tuệ không còn là lĩnh vực mới mẻ đối với các nhà nghiên cứu nhưng đối với cộng đồng thì vẫn còn là một khái niệm mơ hồ, xa lạ. Nhận thức chung về vấn đề sở hữu trí tuệ còn
bất cập, chưa hiểu rõ quy định pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ khi khai thác, sử dụng tác phẩm sáng tạo của người khác.
Thói quen sao chép tùy tiện tác phẩm không xin phép tác giả và thanh toán phí bản quyền đã và đang tồn tại phổ biến. Do đó việc triển khai sâu rộng hiểu biết về quyền sao chép là sự nghiệp lâu dài trong đó có vai trò tiên phong của truyền thông không ngừng nâng cao nhận thức của cộng đồng ở lĩnh vực quan trọng này.
Bảo hộ Quyền sao chép là một khái niệm mới tại Việt Nam và là quyền quan trọng nhất của quyền tác giả. Thực thi quyền sao chép góp phần bảo vệ sở hữu trí tuệ ở nhiều lĩnh vực (sản phẩm vật thể và phi vật thể). Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (Vietrro) liên thông với Tổ chức quyền sao chép thế giới IFFRO (156 thành viên tại 85 quốc gia), sẽ giúp cho quyền sao chép được bảo hộ ở lãnh thổ Việt Nam và trên toàn thế giới. Việc thực thi sao chép bản quyền ở nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ… góp phần khích lệ sự sáng tạo và lành mạnh hóa thị trường ở nhiều lĩnh vực.
Câu hỏi đang được đặt ra là, làm thế nào để người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận với tác phẩm mà không xâm hại đến quyền sở hữu và chủ sở hữu? Quản lý tập thể quyền sao chép là một biện pháp khả thi để có thể giải quyết được những vấn đề trên. Những nhà sáng tạo có nhu cầu bảo vệ quyền tác giả và người muốn hưởng thụ thành quả này xin vui lòng liên hệ Trung tâm Pháp luật và tác quyền (Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam - Vietrro).
Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam - Vietrro được thành lập theo Quyết định số 260/QĐ-BNV ngày 29/3/2011 của Bộ Nội vụ. Thời gian qua chúng tôi đang từng bước hợp tác với nhiều tổ chức kinh tế xã hội, truyền thông, an ninh, … bằng nhiều phương cách bảo vệ quyền tác giả và người hưởng thụ các tác phẩm theo đúng pháp luật, trong đó có việc truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi vi phạm.
Theo pháp luật Việt Nam, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả được quy định bởi hệ thống văn bản của: Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính; Thông tư liên tịch hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết Bộ luật dân sự năm số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015, và nhiều văn bản quan trọng khác.
Việc ký kết hợp tác chiến lược về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan giữa Hiệp hội Quyền Sao Chép Việt Nam với Công ty Cổ phần Truyền thông Việt đồng hành cùng doanh nghiệp (TTV) và một số đơn vị sẽ hình thành một diễn đàn quan trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khích lệ sự sáng tạo nguồn gốc của sự phát triển.
Trong Lễ ký kết hội tụ một số bộ ban ngành: Bộ VHTTDL, Cục Bản Quyền, Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Việt Nam, Vụ Thư viện, An Ninh văn hóa (PA03), Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, CMOs, trung tâm, văn phòng luật sư bảo vệ bản quyền… và đại diện một số báo chí trung ương và Hà Nội.
Đây là cơ hội để cộng đồng cập nhật thông tin về pháp lý và chính sách quyền tác giả, tạo môi trường lành mạnh trong sáng tạo, công bằng trong hưởng thụ giá trị sáng tạo.
Dự kiến trung tuần tháng 3/2024 Vietrro - TTV sẽ tổ chức họp báo thông báo chính thức về các nội dung sẽ triển khai và lộ trình thực hiện trong năm 2024. Lễ ký kết tổ chức trong dịp đón Tết Giáp Thìn, Ban tổ chức xin kính chúc quý vị và gia đình đón xuân an lạc, hạnh phúc, may mắn, sức khỏe và thành tựu.