Sự phát triển của khoa học và công nghệ ngày nay làm gia tăng quy mô hoạt động sao chép dưới nhiều hình thức sao chép, điển hình là sự ra đời của nhiều loại máy sao chép hiện đại được số hóa, tổ hợp với các loại thiết bị số khác, kết nối với cơ sở dữ liệu điện tử và internet như máy photocopy, máy quét, máy ảnh, điện thoại smartphone… Sự phát triển này bên cạnh mặt tích cực đã ảnh hưởng đến lĩnh vực quyền tác giả tại Việt Nam, đặc biệt là vấn nạn xâm phạm quyền tác giả qua hành vi sao chép. Hoạt động sao chép tác phẩm đã công bố, phổ biến mà không xin phép, không trả tiền làm mất đi khoản thu nhập quan trọng mà các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và nhà xuất bản lẽ ra phải được hưởng theo quy định của pháp luật. Điều này đặc biệt bất lợi đối với các nước sử dụng ngôn ngữ không phổ biến trên thế giới như Việt Nam, bởi lẽ thị trường trong nước gần như là nơi duy nhất để người sáng tạo và nhà xuất bản tạo được thu nhập, nhằm duy trì và mở rộng hoạt động sáng tạo, hoạt động đầu tư, góp phần phát triển văn hóa dân tộc, văn hóa bản địa.
Ngoài các trường hợp ngoại lệ sao chép tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền thì mọi trường hợp sao chép khác đều phải xin phép, phải trả tiền. Đặc biệt đối với những hành vi sao chép vì mục đích thương mại, nhằm thay thế việc sử dụng ấn phẩm trên thị trường đã xâm phạm quyền tác giả một cách nghiêm trọng và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, việc xử lý nghiêm khắc loại hành vi xâm phạm quyền sao chép, quyền tác giả theo các thủ tục, chế tài không phải là giải pháp tối ưu. Bởi lẽ, đôi khi hành vi sao chép tác phẩm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người sử dụng trong việc tiếp cận với tác phẩm.
Điều 56 Luật SHTT quy định “Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (CMO) là tổ chức tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện ủy thác quyền tác giả, quyền liên quan, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.”. Quy định này tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho tổ chức quản lý tập thể ra đời với mục đích bảo vệ lợi ích chủ sở hữu quyền đồng thời giúp người sử dụng tiếp cận tác phẩm một cách thuận lợi và hợp pháp, giúp họ giảm thiểu chi phí để mua toàn bộ tư liệu và giải quyết những khó khăn từ việc xin phép, trả tiền trực tiếp cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam được thành lập để đáp ứng với yêu cầu xã hội trong lĩnh vực bản quyền dựa trên nền tảng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ sở hữu quyền và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng tiếp cận hợp pháp với tác phẩm.
Công việc chuẩn bị thành lập VIETRRO đã được triển khai tích cực kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời. Tháng 12/2008, một Tổ công tác chuyên đề về tổ chức quản lý tập thể đã được Hội Nhà văn Việt Nam thành lập để làm đầu mối triển khai hoạt động nghiên cứu và được chấp thuận bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam vào tháng 8/2009.
Việc thành lập VIETRRO hoàn toàn phù hợp với nhu cầu xã hội, đồng thời cũng là hoạt động tích cực nhằm thực hiện chủ trương, sự chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 36/2008/CT-TTg ngày 31-12-2008 về việc tăng cường quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Trong Chỉ thị, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vai trò của các tổ chức quản lý tập thể. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành hữu quan tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện, nâng cao năng lực cho các tổ chức quản lý tập thể hiện có hoạt động tốt hơn và thành lập thêm các tổ chức mới.
Sau quá trình chuẩn bị, ngày 29/3/2010 Bộ Nội Vụ ban hành Quyết định số 260/QQĐ-BNV về việc thành lập Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, có tên tiếng Anh là Vietnam Reproduction Right Organization, tên viết tắt là VIETRRO. Ngày 21/05/2010, Ban chấp hành và Chủ tịch đầu tiên được bầu tại Đại hội thành lập VIETRRO được tổ chức tại Hà Nội. Ngày 21/02/2011, Điều lệ của VIETRRO được phê duyệt bởi Bộ Nội vụ và VIETRRO chính thức bắt đầu hoạt động như một CMO tại Việt Nam. Tháng 6/2011, VIETRRO trở thành thành viên của IFRRO.
|