Vietnam Reproduction Right Organization Developing knowledge – building Vietnamese identity

Chuyến khảo sát đến thăm và làm việc với Ủy ban Quyền tác giả Hàn Quốc

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Ủy ban Quyền tác giả Hàn Quốc và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã tổ chức chuyến khảo sát đến thăm và làm việc với Ủy ban Quyền tác giả Hàn Quốc (KCC) tại Sơ-un, Hàn Quốc từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 11 năm 2014. Mục đích của chuyến khảo sát là nhằm chia sẻ kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc về quản lý quyền tác giả, quyền liên quan. Qua đó, các đại biểu có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc về các chương trình nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng công chúng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hệ thống quản lý, tăng cường vai trò của các tổ chức đại diện tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia mình.

Có tổng cộng mười một đại biểu đến từ mười quốc gia ở các châu lục khác nhau tham dự chuyến khảo sát này. Các đại biểu đại diện cho mười quốc gia gồm Colombia, Ai Cập, Kazakhstan, Oman, Paraguay, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Uzebekistan và Việt Nam. Được sự tài trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), một công chức Cục Bản quyền tác giả đã tham dự chuyến khảo sát này của WIPO.

Tại chuyến khảo sát, bà Ola Zahran, cố vấn cao cấp và bà Lee Young-Ah, phụ trách chương trình cao cấp, Ban phát triển quyền tác giả của WIPO đã tóm lược những tiến bộ về quyền tác giả và quyền liên quan ở góc độ pháp luật quốc tế và giới thiệu về các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về quyền tác giả, quyền liên quan của WIPO cho các quốc gia đang phát triển là thành viên WIPO.

Là thành viên WIPO từ năm 1976, Việt Nam đã tham gia các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan do WIPO quản lý sau đây: Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật (2004); Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng (năm 2007); Công ước Brussel liên quan phân phối tín hiệu vệ tinh mang chương trình qua vệ tinh (năm 2006); Công ước về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ (năm 2005).

WIPO cung cấp các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền tác giả, quyền liên quan cho các quốc gia thành viên dưới các hình thức như tư vấn đánh giá nhu cầu, tổ chức các hội nghị liên khu vực, khu vực và quốc gia, các chương trình đào tạo về thực thi, các xuất bản phẩm của WIPO và bản dịch các xuất bản phẩm này sang ngôn ngữ quốc gia, các dự án quốc gia, các nhiệm vụ tư vấn chuyên gia… Nội dung hỗ trợ kỹ thuật bao gồm hỗ trợ pháp luật, xây dựng chính sách, hiện đại hóa hệ thống quản lý, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng cho quốc gia và cho các tổ chức đại diện tập thể quốc gia.

Là một quốc gia đang phát triển, thành viên WIPO, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ WIPO như đào tạo nhân sự, hỗ trợ chuyên môn…. Năm 2013, được sự tài trợ của WIPO, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức dịch, xuất bản và phát hành miễn phí 03 cuốn sách WIPO là “Học hỏi quá khứ, sáng tạo tương lai: Nghệ thuật và quyền tác giả”, “Từ nghệ sĩ đến công chúng” và “Tìm hiểu về quyền tác giả và quyền liên quan”.

Trong chuyến khảo sát, các đại biểu đã được giới thiệu về hệ thống quyền tác giả của Hàn Quốc như các quy định pháp luật về quyền tác giả, các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật quyền tác giả, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò và chức năng của KCC trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Hàn Quốc…

Hàn Quốc thành lập hai tổ chức là Ủy ban hòa giải bản quyền và Ủy ban hòa giải về chương trình máy tính vào năm 1987. Đến năm 2009, hai tổ chức này sáp nhập lại và đổi tên thành KCC. Đến nay, các phòng ban của KCC lên tới 6 phòng chuyên môn bao gồm Văn phòng, Phòng Thông tin bản quyền, Phòng Nghiên cứu chính sách, Phòng Dịch vụ khách hàng, Phòng Giáo dục và đào tạo và Phòng Xúc tiến sử dụng hợp lý. Từng phòng chuyên môn có các tổ chuyên môn và có tới 16 tổ chuyên môn thuộc các phòng chuyên môn của KCC. KCC cũng đã thành lập 4 văn phòng KCC tại nước ngoài, gồm Văn phòng KCC tại Băng-cốc, Thái Lan, tại Manila, Philippines, tại Bắc Kinh và Thượng Hải, Trung Quốc và tại Hà Nội, Việt Nam.

Gây ấn tượng cho các đại biểu là thiết kế sinh động và thích hợp các chương trình về giáo dục quyền tác giả của Hàn Quốc theo nhu cầu khác nhau của từng nhóm đối tượng như thanh thiếu niên, người lớn, giáo viên nói chung, giáo viên chuyên giảng dạy về bản quyền, lực lượng lao động trong ngành công nghiệp bản quyền… Các chương trình giáo dục, đào tạo về quyền tác giả dưới hình thức tổ chức lớp học, bài giảng trực tuyến, các trò chơi có nội dung bản quyền, các phần mềm trò chơi điện tử, tổ chức các sự kiện vào ngày Bảo hộ bản quyền “Copyright Protecting Day” (ngày 26 hằng tháng)…

Hàn Quốc là một trong các quốc gia đi đầu trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền trực tuyến. Đến thăm Trung tâm bảo hộ quyền tác giả Hàn Quốc (CPC), các đại biểu được nhìn tận mắt và nghe giới thiệu về hệ thống hỗ trợ tìm kiếm nội dung xâm phạm bản quyền trên Internet và tự động gửi thư yêu cầu xóa nội dung trên cơ sở tìm kiếm nội dung tự động và công nghệ nhận biết nội dung tính năng cơ bản.

Các đại biểu được tìm hiểu về hình thức hòa giải tranh chấp bản quyền không qua con đường tòa án tại Hàn Quốc, cách thức được đánh giá là thuận tiện nhất, nhanh chóng nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giải quyết các tranh chấp về bản quyền. Các đại biểu cũng được giới thiệu về hệ thống đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Hàn Quốc gồm 13 tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực âm nhạc, văn học, điện ảnh, phát sóng… Các chủ đề về giải quyết tranh chấp quyền tác giả, quyền liên quan bằng con đường tòa án, đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Hàn Quốc… được các đại biểu quan tâm theo dõi.

Theo kết quả điều tra về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền của Hàn Quốc năm 2012, toàn bộ ngành công nghiệp bản quyền của Hàn Quốc đóng góp tới 9,47% tổng GDP, trong đó các ngành công nghiệp bản quyền chủ chốt đóng góp tới 4,15% tổng GDP của Hàn Quốc. Chính sách của Hàn Quốc về tăng cường thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, tạo động lực để thúc đẩy sáng tạo đã góp phần vào thành công của ngành công nghiệp bản quyền Hàn Quốc và sự lan tỏa không ngừng làn sóng Hàn Quốc ngày hôm nay.

Sự thành công từ mô hình quản lý quyền tác giả của Hàn Quốc là điều khiến các đại biểu đến từ các quốc gia đang phát triển tham dự chuyến khảo sát suy nghĩ và học hỏi. Đây cũng là lý do chính để WIPO giới thiệu về mô hình quyền tác giả Hàn Quốc cho các đại biểu tham dự chuyến khảo sát.