Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam Phát triển Tri thức – Bảo vệ Tác quyền

BẢN QUYỀN, PHỤ THUỘC VÀO HIỂU BIẾT VÀ LƯƠNG TÂM?

Bản quyền là câu chuyện không mới nhưng lại luôn “nóng” bởi mức độ vi phạm tăng cao với những diễn biến mới. Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ 2013 đã quy định rõ: khi khai thác, sử dụng tác phẩm thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, nhưng, việc bị xâm phạm tác quyền lại rất dễ dàng và càng ngày càng phức tạp nhất là trong tình hình internet phát triển chóng mặt như hiện nay.

Đủ kiểu xâm phạm bản quyền

Vi phạm bản quyền hay gặp là các tập truyện ngắn hoặc thơ. Truyện ngắn nhiều hơn thơ. Người tuyển chọn tìm tác phẩm trên internet phù hợp với tiêu chí tập hợp, chẳng hạn như thế hệ trẻ, viết về nông thôn, đô thị, phụ nữ, tình yêu, tình bạn…thì gom lại và in thành sách mà không hỏi ý kiến tác giả. Thế mới có chuyện tác giả đi ra hiệu sách cứ ngớ người vì mình “được” đứng trong một tuyển tập rất oách!, mà không biết. Tự mình biết còn là may, nhiều trường hợp tác giả cứ giật thon thót”ô thế à” khi được bạn bè, đồng nghiệp thăm hỏi, báo tin.

Mới đây, trong chương trình Quà tặng cuộc sống, một tác giả đã phát hiện ra tác phẩm của mình từ truyện tranh ra đời cách đây vài năm bỗng dưng được chuyển thể trên sóng truyền hình. Câu chuyện còn chưa ngã ngũ ai sai, ai là tác giả thực thì lại kéo theo những mắt xích bản quyền nữa. Một số tác phẩm của các tác giả khác cũng được chuyển thể từ tác phẩm viết dự thi (nhưng không được giải) thành phim truyền hình mà không hay biết và không có động thái gì từ phía nhà sản xuất. Thực ra, trong một cuộc thi văn chương, bên cạnh các tác phẩm đoạt giải thưởng thì có rất nhiều tác phẩm không được giải nhưng vẫn có chất lượng tốt. Thậm chí, có những độc giả còn thích đọc tác phẩm không được giải hoặc giải bé hơn cả giải nhất nhì. Điều này cũng rất bình thường và không có gì khó hiểu bởi phụ thuộc vào cái “gu” của ban giám khảo. Ban giám khảo nào thì giải thưởng ấy. Tuy nhiên, hậu cuộc thi, các làm thường thấy ở những đơn vị tổ chức là tập hợp in thành sách tất cả những tác phẩm có chất lượng chứ không… lẳng lặng.

Bài thơ Gửi lời chào lớp 1 được in trong Sách giáo khoa thời gian qua cũng gây sự chú ý của dư luận. Bài thơ này nổi tiếng vì quá hay và đã đồng hành với biết bao thế hệ học sinh.Thế nhưng, xung quanh bài thơ lại đặt ra những câu hỏi liên quan đến bản quyền. Theo báo Tuổi trẻ thì bài thơ này được sáng tác từ một nhà thơ Liên Xô, hiện giờ còn bản lưu giữ tại thư viện Quốc gia có ghi nguồn và người dịch bài thơ. Vậy mà, không hiểu sao, sau nhiều lần tái bản bài thơ lại thành sáng tác của tác giả…Việt Nam. Nếu như bài thơ này không là tác phẩm “nằm lòng” của nhiều thế hệ đi trước thì làm sao học sinh thời nay biết được có xuất xứ từ tác giả nước ngoài? Không biết lần tái bản tiếp theo phần tác giả, dịch giả có được chỉnh sửa. Bên cạnh tình huống bài thơ trên, mọi người cũng đang theo dõi “ứng xử” của đơn vị làm sách giáo khoa với vấn đề tác quyền cho những tác phẩm văn học được sử dụng trong sách giáo khoa hàng chục năm nay.

Giải pháp bảo vệ bản quyền

Hiện nay, ngoài các báo điện tử đơn thuần thì nhiều báo giấy cũng đều có báo online, website, hoặc báo điện tử song hành. Vì thế tất cả các sáng tác văn học ở báo giấy – file cứng thế nào thì sẽ hiện diện trên mạng tương đương như một file mềm như thế. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho những ai có ý định ăn cắp bản quyền. Ăn cắp ý tưởng thì khó phát hiện hơn nhưng ăn cắp y nguyên thì cũng không thiếu. Xâm phạm bản quyền có cả ý thức và vô thức. Các trang web, diễn đàn vô tư lập ra, cóp nhặt, sưu tầm, chỉnh sửa, tam sao thất bản truyền đi khắp nơi. Người làm sách tuyển tập cứ điềm nhiên thấy của ai hay, ai hợp thì cóp ra để in… Chưa hết, có nơi còn tập hợp tác phẩm văn học để in vào băng đĩa DVD, USB…và bán cho người có nhu cầu.

Để hạn chế tình trạng này, một số trang online “chặn” không chó tính năng copy phát huy. Nhưng đây cũng chỉ là tình thế, vì không copy thì đánh máy lại và phát tán trên mạng rất khó kiểm soát.

Một số Nhà xuất bản hiện nay đã có cách làm tốt hơn để ngăn chặn tình trạng vi phạm tác quyền. Đó là, dù các cây bút được một công ty tư nhân đứng ra in tác phẩm, có hợp đồng thì trước khi in sách tác giả cũng phải đến ký với nhà xuất bản. Các tuyển tập cũng vậy, có bao nhiêu tác giả có tác phẩm được chọn in trong tuyển tập thì có bấy nhiêu người phải đến ký tên trước khi xuất bản như một sự đồng ý và khẳng định về bản quyền. Đây là một cách làm hay và chặt chẽ, ngăn ngừa đáng kể tình trạng vi phạm tác quyền nhưng vẫn còn một số nơi chưa thực hiện, nên người vi phạm đã lách vào những khe hở này.

Theo Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2013 thì một tác giả được bảo hộ tác phẩm có thời gian kéo dài 50 năm sau khi tác giả mất. Nghĩa là sau 50 năm nhà văn đã mất, tác phẩm trở thành tài sản của công chúng, kể cả với mục đích kinh doanh. Là người không xa lạ trong giới văn chương, có thân phụ và một nhà văn nổi tiếng, nhưng con trai một nhà văn đã mất hơn 50 năm – hết thời hạn bảo hộ tác quyền, cho biết, tác phẩm của thân phụ thỉnh thoảng vẫn được xuất bản mà bản thân và gia đình không hề biết. Nếu biết, tôi có đến gặp và xin một cuốn sách làm kỷ niệm chứ cũng không đề cập chuyện tiền nong thì họ cho sách, cũng có nơi cho phong bì gọi là thắp nén nhang cho nhà văn. Và dĩ nhiên, nếu không biết thì cũng đành thôi. Trong trường hợp này, nếu đúng luật, thiết nghĩ chả ai sai, chả ai phạm luật, nhưng giá như cái cử chỉ tốt đẹp kia “đi trước” một bước thì hay hơn biết bao./.